KINH NGHIỆM PHÒNG CHỐNG BÃO, LỤT.

Biến đổi khí hậu là những từ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các diễn đàn Hội nghị. Với những diễn biến thất thường của thời tiết; bão, lụt, cháy rừng, động đất, sống thần,...hoành hành hầu hết các nước trên thế giới và các vùng miền của nước ta và ngày càng khốc liệt, gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản. Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra người quản lý thiên tai cũng như người dân cần chủ động phòng tránh cho mình và cộng đồng.

Giúp dân chủ động phòng chống bão.jpg

Giúp dân phòng chông bão

Là người ở vùng thường xuyên bị bão, lụt gây hại, được chứng kiến những cơn bão dữ của các năm 1963, 1971, 1985, 2006; lụt lớn của các năm 1970, 1971, 1983, 1999, 2004,...và được các bậc ông, cha truyền lại; nhất là hơn 10 năm làm Phó Ban Thường trực BCH PCLB-TKCN của huyện, được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, học tập kinh nghiệm các địa phương bạn và qua sách báo; nên tôi mạnh dạn nêu lên một số kiến thức, kinh nghiệm cần thiết nhằm giúp ích ít nhiều cho ai quan tâm đến công tác phòng chống bão lụt và để người dân chủ động phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi bão, lụt xảy ra.

I. Kinh nghiệm dân gian:

Ngày trước chưa có phương tiện truyền thông, như Radio, Truyền hình, Intenet, thông tin vô tuyến, điện thoại,... nên người dân chỉ biết sử dụng kinh nghiệm là chính và từ kinh nghiệm đó, họ đã biết chuẩn bị sớm, khi sắp đến mùa mưa, bão. Những kinh nghiệm đó như: Nhìn trời lúc hoàng hôn do mây phía tây khuếch tán có màu sắc nên dân gian gọi là ráng (ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì gió, ráng đỏ thì mưa); nhìn cây (măng tre mọc chui đầu vào giữa khóm, lá cây cỏ ống có ngấn (móp) đầu lá, thì có bão sẽ xảy ra); nhìn con (Ong vò vẽ làm tổ sát đất thì có bão, làm tổ trên cây cao thì có lụt),...Kinh nghiệm về lụt: Có khi ở đồng bằng ít mưa, nhưng mây dày, gió đông bắc mạnh không thấy núi Trường Sơn thì mưa rừng nhiều và khả năng lụt lớn dễ xẩy ra. Sau khi bão, lụt xảy, ra mà nhìn về phía tây thấy núi Trường Sơn là hết mưa. Khi lụt to mà gió chuyển hướng tây bắc, có sấm ở biển thì nước sẽ rút,...

Nhà ở của người dân khu vực miền trung thường làm nhà hình bánh ít (bốn mái), tường thấp. Nếu là nhà gỗ, trong nhà thường có rầm thượng (có tấm lát trên xà nhà, giữa 4 cột nhất gọi là tra, dày 5cm, dài 2,5-3m), rầm hạ (tấm lát sàn nhà dày 5cm, dài 2,5-3m). Nếu là nhà tranh tre thì cũng có vài cây tre, dài hơn các cột trong nhà, có đục con xỏ, chuẩn bị sẵn để khi có bão thì dùng để chống đỡ. Trên gác bếp có vài chục sợi dây tre, dây mây chún (vặn) dài 2-3 m/sợi, một bó lạt tre dài hơn 1m/sợi để sẵn. Khi có hiện tượng thời tiết bất lợi thì có thêm mấy bó củi, bao trấu, bao khoai luộc, chai muối, ớt, hủ mắm, gạo, nước,...

Từ những kinh nghiệm trên, kết hợp với những phương tiện hiện đại ngày nay, ta có thể chủ động phòng tránh có hiệu quả hơn.

II. Bão:

bão nhìn từ vệ tinh.jpgNhư chúng ta biết bão ở bắc bán cầu là xoáy thuận nhiệt đới, gió đủ bốn hướng, tuy cấp gió có khi chỉ bằng gió tây nam ( gió Lào), nhưng do kết hợp với mưa cây cối nặng, nền đất nhão đễ đổ, ngã; trước đây do chưa có thông tin thì các khái niệm bão vào vĩ tuyến, kinh tuyến nào không được xác định mà chỉ biết nhìn hướng gió mà đoán là bão vào chính diện, phía trong hay phía ngoài nơi mình đang cư trú. Ví dụ: chỉ có gió tây bắc mạnh và đông nam nhẹ thì bão đổ bộ vào phía ngoài; gió tây bắc chuyển qua tây nam mạnh sau đó tùy theo tốc độ di chuyển mà có một khoảng gió lặng và sau đó thì đông nam mạnh là bão đổ bộ vào chính diện; hoặc chỉ có gió tây bắc rồi tây nam và sau đó đông nam mạnh và lâu thì bão đổ bộ vào phía trong...

1.Trước khi bão đến:

1. Tiếp nhận thông tin:

Ngày nay đã có phương tiện hiện đại, người dân cần chủ động nắm thông tin về bão, qua nhiều kênh khác nhau như đài phát thanh, truyền hình Trung ương đến cơ sở, các dịch vụ của hệ thống điện thoại để theo dõi sát thông tin về hướng bão và tọa độ bão đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên vẫn có gia đình không có phương tiện nghe nhìn. Hoặc vì trường hợp dự phòng gió, bão diễn biến nghiêm trọng nên ngành điện lực cắt điện thì theo đó người dân sẽ mù tịt thông tin. Để chủ động nhất là mỗi nhà nên chuẩn bị một radio loại nhỏ dùng pin tiểu giá vài chục đến không quá 100 ngàn đồng, rất tiện lợi trong việc tiếp nhận thông tin trong mùa mưa bão. BCH PCBL các cấp, nên dùng hệ thống loa di động đặt trên xe máy, ô tô đến tại các chợ lúc đông người, khu vực đông dân cư thông báo hoặc yêu cầu các trường học thông tin cho học sinh khi về nhà báo lại cha mẹ chuẩn bị phòng chống.

2. Những việc làm trước khi bão vào:

Chằng, néo ngoài nhà

Chằng, néo ngoài nhà (Minh họa):

*Chằng, néo ngoài nhà: Nhà không xây tường mà làm bằng gỗ, tre thì dùng dây sắt 6, hoặc dây nilong (có đường kính lớn) néo tại điểm liên kết kèo và cột, kéo xuống đất ngoài nhà, một góc 45o, không nên đống cộc để buộc dây, mà chôn một đoạn cây khoảng 0,8-1m, ở giữa được buộc một dây sắt 6 hình chữ U dài 1-1,2m, mặt đất được đào hình chữ T, sâu khoảng 0,8 đến 1m, phía đỉnh chữ T để thanh ngang, phía chân chữ T để dây sắt chữ U như mô tả ở trên và dùng dây đã cố định ở đỉnh cột, buộc hoặc kéo móc tangđơ vào chữ U cho thật căng, cứ nổi cột có môt dây về tất cả các phía, như kiểu cắm trại.

*Chống, chằng trong nhà: Dùng các cây tre, gỗ, ván dài hơn các cột trong nhà để chống, vào đầu cột, điểm liên kết cột và kèo, gió chiều nào thì chống phía ấy, chú ý: phía chân phải được cố định tránh cột chống di chuyển. Nếu nhà nhiều cột cũng có thể liên kết các cột với nhau bằng các cây tre, gỗ buộc chéo chằng lại.

*Đằn mái nhà: Khi nhà lợp tôn thì sử dụng bao cát chặn lên mái, tại các vị trí có đòn tay, nhất là rìa mái dọc và ngang của mái tôn, số bao có cát càng nhiều càng tốt, các bao cát được liên kết với nhau bằng một sợi dây hoặc thanh tre; tuyệt đối không dùng đá viên lớn, đá nhỏ bỏ vào bao tải, gạch, blo hay đồ vật cứng, ngắn; để chặn trên mái nhà. Hiện nay, các loại bao tải đều có chất dễ phân hủy khi có ánh nắng mặt trời. Do đó, để khỏi bị cát bay về mùa khô, đá rơi khi bao bị hủy nên trộn lẫn cát với xi măng dạng vữa bê tông mác 50. Như vậy, việc chặn mái được lâu dài, khi bao đã hủy thì khối cát, đá vẫn còn lại cho các năm sau.

+ Các nhà lợp bằng pibroximang khi néo bằng dây thép phải chú ý điểm dây thép tiếp xúc với tôn ở đây dễ bị ăn mòn, cho nên phải buộc lại trước khi bão đến hoặc có người di chuyển trên mái nhà, dễ gây tai nạn; tốt nhất là buộc bằng dây cước. Để chắc chắn hơn thì dùng dây cáp choàng qua mái tôn, kéo xuống đất để chằng néo theo kiểu néo chữ T ở trên, không buộc vào gốc cây có cành lá lớn cây đổ, nhà đổ theo.

*Chốt cửa:Tất cả các cửa gỗ, cửa sắt kéo, có thể dùng tre, gỗ nẹp lại bằng đinh hay dây thép, nhất là các cửa khi mở đẩy vào, che chắn lỗ thông gió, nếu cửa kính để tránh vở nên dùng băng dính dán chéo chữ X mặt trong kính.

+ Kiểm tra các vị trí dễ bị gió lật để có biện pháp ứng phó trước. Việc chằng chống nhà cửa, cho dù nhà đã được xây dựng kiên cố đều phải được quan tâm đúng mức, mới mong nhà không bị tốc mái hay ngã sập.

*Chặt hoặc tỉa cành:  Tất cả các cây, cành to gần nhà phải chặt hoặc tỉa cànhđể tránh cây, cành có thể đ�� ngã khi có gió mạnh.

*Chú ý: Hệ thống điện và phương tiện điện tử, cắt cầu giao tổng của hệ thống điện, hạ cột anten tivi, chặt cây cối va quệt vào đường dây điện trần.

2. Bão vào:

*Chọn chỗ an toàn tránh trú:Khi thấy nhà cửa không an toàn nên đưa người thân đến các nhà vững chắc. Nếu ở lại thì chọn vị trí an toàn nhất để trú tránh đó là: dưới ô nhà chống bão, chọn vị trí không bị ngói rơi, đòn tay, xà nhà gãy. Có thể tránh ở gầm bàn, trong sập trống. Ở một số địa phương vùng cát có kinh nghiệm đào hầm trú ẩn. Cách làm hầm đơn giản. Chọn địa điểm đào hầm là nơi cao ráo, cách xa một khoảng an toàn với cây cổ thụ, tường vách nhà để loại trừ nguy hiểm có thể xảy ra khi triều cường, các vật nặng ngã đổ đè lên hầm. Tùy theo số lượng người trú ẩn mà đào hầm theo diện tích rộng, hẹp rồi dùng bao tải hay bao tải các loại cho vào đầy cát và che chắn quanh hầm, độ sâu của hầm không quá sâu chỉ vừa đủ để người ra vào, nhằm đảm bảo an toàn cho người trú ẩn. Phía trên hầm phải có mái che, xung quanh có tường chắn tránh cát lùa, có cửa thoát hiểm quay về phía khuất gió.

*Tuyệt đối không ra khỏi chổ tránh khi bão chưa tan: Khi tâm bão đổ bộ chính diện thì gió hướng tây bắc chuyển qua tây nam mạnh sau đó tùy theo tốc độ di chuyển, vị trí đổ bộ của bão mà có khoảng lặng gió và sau đó thì gió đổi hướng đông nam hoặc đông bắc mạnh đó chính là lúc bão đỗ bộ và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, để tránh bị cây đè, tường sập, gió quật ngã hay tôn bay chém vào người. Nếu không có nhiệm vụ, thì sau vài giờ bão đi qua mới rời chỗ trú ẩn.

III Lụt:

Như kinh nghiệm đã nêu ở trên; bão, áp thấp nhiệt đới, giải hội tụ, gió mùa đông bắc là các hiện tượng gây mưa. Khi mưa với lượng lớn, thời gian ngắn thường xẩy ra lụt. Do địa hình không đều nên trên phương tiện thông tin đại chúng thông báo cấp báo động lũ khó hiểu làm cho người dân chủ quan bị động, khi ứng phó. Đối với lũ lụt thì thời điểm đỉnh lũ lên là lúc nước trên tất cả các sông trên địa bàn, nhất là những địa bàn thấpven các sông đều ở mức báo động 3 và vượt trên mức báo động 3. Để giảm thiểu thiệt hại do lụt lớn gây ra cần lầm một số việc sau:

1.     Trước khi mùa mưa lụt đến:

làm chuồng có gác lững vượt lũ cho bò.fpg

Kinh nghiệm làm chuồng sàn cho gia súc ỏ tránh lụt

Đối với những vùng thường xuyên bị ngập lụt, nước vào nhà, thì khi xây dựng nhà ở nếu có điều kiện nên làn nền nhà, chuồng trại chăn nuôi cao hơn mức lụt lịch sử, thiết kế nhà có gác lửng, gian chống lụt, hay làm chạn bằng tre hoặc ván gỗ. Tuy gác lửng có diện tích chỉ vài mét vuông nhưng nếu khéo sắp xếp, có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt dài ngày đối phó trong lũ, lụt cao điểm.

Phải chuẩn bị đầy đủ từ thang tre, dây tre, lạt, dây mây, bao tải, bao ni lông, đèn cầy, đèn dầu, bật lửa, đền phin, mì ăn liền, gạo, muối, củi, trấu, trích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt (những nhà lợp ngói tháo 1-2 tấm, dùng chậu hứng nước mưa để dùng). Tu sửa các phương tiện di chuyển, phao cứu sinh,... Nhà có điều kiện thì chuẩn bị thêm bếp ga, nhất là loại bếp ga mini rất tiện ích trong việc đun lấy nước sôi hoặc nấu nướng. Chuẩn bị thuốc men đầy đủ vì sau bão lụtnước thường ô nhiễm gây dịch bệnh. Một số thuốc men thông thường cũng cần mua dự phòng ngay như: thuốc đau bụng, tiêu chảy, thuốc trị cảm lạnh, dầu Phật linh, dầu cao sao vàng vì trong lũ, lụt khả năng dịch bệnh xuất hiện, nhất là dịch tiêu chảy. Những địa phương có công trình dễ bị tràn, vỡ thì việc đưa cuốc, xẻng, phương tiện cứu hộ lên cao để cùng tập thể cứu hộ khi cần. Chuẫn bị đủ thức ăn cho vật nuôi trong thời gian chờ nước rút.

2. Khi lụt đến:Cũng như đối phó với bão, mọi người ai trú ẩn ở nhà nấy, không nhiệm vụ thì không di chuyển. Còn những trường hợp nước dâng cao, ngập cả nơi người dân trú ngụ, thì cũng phải dự phòng tình huống để giải quyết việc di dời đến nơi cao và phải đi sớm trước khi lụt lên cao bằng các phương tiện an toàn, tránh bị động. Khi dân đã sơ tán, chính quyền phải cử lực lượng tuần tra, kiểm soát đề phòng kẻ xấu lợi dụng, đồng thời ngăn ngừa không cho bà con tự động trở về khi chưa có lệnh.

Sự chủ động trong phương án của từng hộ gia đình sẽ giúp cho người dân có sự bình tĩnh đối với mọi tình huống của lũ, lụt. Đưa toàn bộ lương thực, thực phẩm đồ dùng cá nhân vào bao, túi ni lông tránh rơi, ướt lên nơi cao. Kết bè, dùng lòng nhốt gà, vịt, củi nhốt heo, cố định những vật dụng dễ nỗi, dễ trôi.Bà con vùng thấp lụt còn có một kinh nghiệm độc đáo được coi như một sáng kiến dân gian là việc trồng chuối để đến đầu mùa mưa bão kết thân chuối làm bè (trong trường hợp không có ghe, xuồng). Nước lụt dâng đẩy bè chuối lên cao và bè chuối là nơi để heo, gà và kể cả con người trú ngụ trong thời điểm nước dâng.

III. Sau bão-lụt:

thiệt hại do bão lụt.jpg

Thiệt hại do Lụt-bão

Cho dù đã qua thời khắc nguy hiểm trời hết gió, nước đã rút nhưng không nên chủ quan. Vì lúc này nước vẫn còn dâng cao, tường xây, cây lớn chưa đỗ hẳn và đường đi nhiều đoạn, khu vực nước còn chảy xiết, mạnh. Việc đi lại trên ghe thuyền, dưới hàng cây, tường nhà chỉ vì một chút sơ suất dẫn đến thiệt mạng.

Mặt khác, công việc đặt ra lúc này là mọi người cùng bắt tay khắc phục hậu quả; thu dọn đồ đạc, lau chùi, phơi hong tài sản, kiểm tra hệ thống điện trong nhà xem có bị đứt dây, rò điện không, chôn lấp xác súc vật chết, vệ sinh môi trường, sửa sang đường sá, công trình hư hỏng, chuẩn bị hạt, cây giống rau màu cho vụ tới, bồi dưỡng cho con nuôi,...

Chú trọng việc ăn chín, uống chín, phòng các dịch bệnh có thể xảy ra sau bão, lụt. Phần quan trọng là có sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội tạo ra sức mạnh cộng đồng để từng gia đình trong vùng bão, lụt tập trung khắc phục nhanh chóng những hậu quả do thiên tai gây ra ./.

Tác giả: Võ Văn Quang Sinh - Hải Lăng, Quảng Trị


Các tin khác