Nghẹt/ngạt mũi là triệu chứng thường gặp ở cả trẻ em và người lớn khi trời trở lạnh. Nghẹt mũi khiến bạn trở nên mệt mỏi vì mất ngủ, phải thở bằng miệng nên dễ dẫn đến các bệnh viêm họng, viêm thanh quản…
Nghẹt mũi là bệnh phổ biến khi trời lạnh
Để giảm bớt sự khó chịu do chứng nghẹt mũi đem lại, nhiều người đã tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mũi vì thấy những thuốc này có hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này trong thời gian dài lại gây nhờn và lệ thuộc vào thuốc, nếu không nhỏ tiếp thì sẽ càng bị ngạt hơn.
Dưới đây là một vài biện pháp đơn giản và an toàn hơn giúp bạn khắc phục hiện tượng khó chịu này.
Làm sạch mũi
Dùng dung dịch nước xịt mũi bán ở hiệu thuốc hoặc dung dịch nước muối sinh lý để nhỏ mũi trong vòng 5 – 10 phút sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên dùng bông tăm lau sạch, nhúng vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý rồi lau mũi bé 1 – 2 lần/ngày. Nếu bé chưa biết hỉ mũi, bạn có thể dùng dụng cụ hút sạch mũi cho bé.
Xông mũi
Dân gian có nhiều cách xông để chữa viêm mũi họng, làm thông mũi... rất đơn giản từ cây lá. Những loại lá cây có chứa tinh dầu và hương thơm như: lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô, lá ổi; lá kinh giới... Tinh dầu chứa trong cây lá có tính sát trùng và làm thông mũi họng, ngoài tác dụng chữa viêm nhiễm còn giúp người bệnh dễ chịu.
Cho các loại cây lá vào nồi, đổ đầy nước, đậy kín, đun thật sôi và đem ra xông. Có thể xông toàn thân hoặc xông riêng vùng mũi họng. Khi xông phải mở nắp nồi nước từ từ và hít hơi chậm bằng đường mũi, rồi thở ra bằng đường miệng. Xông khoảng 10-15 phút.
Trong những trường hợp gấp gáp mà bị nghẹt mũi khó chịu, bạn có thể dùng tép tỏi đập dập hoặc hành củ (tốt nhất là hành hoa) thái nhỏ cho vào ly nước nóng, rồi lấy bìa giấy cứng cuộn lại làm thành cái phễu, chụp đầu lớn phễu lên ly nước, đầu nhỏ đặt vào mũi, họng để xông...
Những loại lá cây có chứa tinh dầu và hương thơm như: lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô
Ấp nóng, tắm nước nóng
Khi nhiệt độ cao tác dụng, huyết quản sẽ nở ra. Khi thấy nghẹt mũi nhiều, khó chịu, bạn nên tắm vòi sen bằng nước ấm và đứng thư giãn một lúc trong phòng tắm đầy hơi nước ấm. Hoặc thấm ướt khăn tắm với nước nóng, đưa lên mặt, áp lên mũi và thở.
Trước khi đi ngủ hãy lấy khăn thấm nước nóng đặt lên hai tai trong vòng 10 phút, mũi sẽ thông và thở bình thường ngay bởi ở tai có mạng lưới thần kinh rất nhỏ có tác dụng điều tiết tuần hoàn máu ở mũi.
Điều chỉnh tư thế nằm
Khi đi ngủ bạn nên gối đầu cao, nếu bị nghẹt mũi trái hãy nằm nghiêng về phía bên phải và ngược lại. Đối với trẻ nhỏ bị nghẹt mũi, bạn nên bế đứng trẻ lên trong chốc lát, chứng nghẹt mũi sẽ hết. Dùng ngón trỏ bấm vào huyệt gọi là nghinh hương ở hai bên cánh mũi, vài ba phút sẽ thấy hiệu quả ngay.
Ăn uống nóng, tránh thực phẩm nhiều đường
Ăn toàn bộ thức ăn nóng và uống nước nóng như trà, cà phê, nước ép trái cây (cam, bưởi), súp, cháo, canh nóng… giúp ngăn ngừa mất nước và giảm nghẹt mũi.
Tránh xa những loại thực phẩm có nhiều đường và cacbonhydrat vì nó sẽ làm chứng nghẹt mũi của bạn trầm trọng hơn. Tốt nhất hãy ăn nhiều rau, ngũ cốc nguyên chất và các loại cá.
Hoài Vũ( dinhduong )