LĐTĐ - Trước tình trạng người dân hoang mang vì kiến ba khoang xâm nhập vào các khu chung cư, nhất là khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, các cơ sở sản xuất cửa lưới bắt đầu tung ra chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm rầm rộ. Tuy nhiên, thực tế không phải cửa lưới nào cũng chống được kiến ba khoang.
Không phải cửa nào cũng ngăn được kiến
Các sản phẩm cửa lưới chống muỗi, kiến đã xuất hiện trên thị trường trong nước khoảng 10 năm nay, với mẫu mã đa dạng và phong phú nhưng chưa thực sự thông dụng. Chỉ đến khi những thông tin về kiến ba khoang xuất hiện ở các khu chung cư và gây những tổn thương đáng kể cho người dân, được các phương tiện truyền thông đưa tin thì người ta mới tìm đến cửa lưới nhiều hơn.
Theo quảng cáo, những sản phẩm cửa lưới đều được sản xuất theo công nghệ tiên tiến. Lưới được làm từ sợi thủy tinh mềm dẻo dễ cuốn, khung được làm bằng nhôm, sơn tĩnh điện với nhiều màu sắc đa dạng và phong phú về chủng loại, màu sắc mà vẫn không mất đi tính thẩm mỹ. Cửa còn đảm bảo không cho các loại côn trùng như ruồi, muỗi, gián, kiến ba khoang vào nhà, giúp lưu thông không khí và ánh sáng tốt, hưởng thụ không khí thiên nhiên, tiết kiệm điện năng do không phải sử dụng điều hòa quạt máy nhiều; không độc hại vì không dùng hóa chất, tiện dụng không cần dùng màn, tính thẩm mỹ và độ bền cao. Có 3 dòng sản phẩm chính: cửa lưới tự cuốn, cửa lưới xếp và cửa lưới trượt, ngoài ra còn có các loại: cửa lưới từ tính, cửa điều khiển từ xa.
Cửa lưới xếp chống muỗi nhưng vẫn khó chống kiến
Về vấn đề này, tiến sĩ Hồ Đình Trung, Phó viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương cho rằng, trong các biện pháp phòng chống kiến ba khoang, muỗi... như phun hóa chất, bẫy bằng đèn, dùng máy siêu âm… thì việc sử dụng lưới cửa là các lưới kim loại có lỗ nhỏ - đem lại hiệu quả hơn cả. Cách làm này không độc hại, chỉ có nhược điểm là chi phí cao và không phải thiết kế nhà nào cũng phù hợp.
Tuy nhiên, khi được hỏi về sản phẩm này, chị Nguyễn Anh Thư - Khu đô thị Việt Hưng, than thở: “Tôi nghe các chuyên gia nói rằng, kiến ba khoang phun thuốc diệt côn trùng cũng không diệt được tận gốc vì sau thời gian say thuốc chúng lại tỉnh dậy. Vì thế nhà tôi đã lựa chọn cửa lưới, dẫu chi phí không rẻ. Đúng là cửa lưới có công dụng hữu hiệu với gián, muỗi nhưng với kiến ba khoang thì không triệt để, chúng vẫn bò vào được nhà”.
Tinh vi kiến ba khoang
Trao đổi về vấn đề này, anh Đỗ Kim Lân - PGĐ marketing, Công ty cổ phần An Đạt, cho biết, kiến ba khoang là loài côn trùng cánh ngắn, hướng sáng. Khi bay vào nhà có lưới ngăn cách, chúng thường đậu và bò dọc lưới, nếu những sản phẩm cửa lưới không đạt chất lượng, thiếu thanh đè giữ lưới phía trên, hoặc cắt lưới hụt kiến vẫn có thể bò vào nhà qua khe hở. Còn anh Ngô Quang Chiến - siêu thị cửa lưới lại khẳng định không phải cửa lưới nào cũng có thể ngăn chặn được kiến ba khoang.
Anh Chiến cho hay, đối với cửa lưới cuốn và cửa lưới xếp, mép lưới tiếp giáp với khung cửa, ray trượt vẫn có khe hở khoảng 5 li, tuy các nhà sản xuất khắc phục khe hở này bằng cách chèn các gioăng hoặc thanh đè giữ lưới nhưng với đặc thù kiến ba khoang không chỉ bay mà chúng còn bò nên khi bị cản đường, chúng sẽ tìm đường khác, mép lưới tiếp giáp với khung, với đường ray… sẽ là đường để chúng thâm nhập vào nhà. Theo anh Chiến, cửa lưới trượt là loại an toàn nhất cho việc chống kiến xâm nhập, cửa này có giá khoảng 680.000đồng/m2, độ bền cao nhất trong các loại cửa lưới, tối thiểu phải 8 năm.
Hiện nay trên thị trường, những thông tin về sản phẩm cửa lưới cũng có sự chênh lệch đáng kể. Đối với cửa lưới Bình Minh, giá thành phụ thuộc vào từng loại cửa cũng như vị trí lắp đặt (trong khung cửa hoặc trên khung cửa có sẵn). Cửa lưới tự cuốn có giá từ 500.000đ – 700.000đ/m2, cửa lưới xếp 800.000 – 1.200.000đ/m2, cửa lưới xếp không ray dành cho cửa đi 1.000.000 – 1.500.000đ/m2. Tại Sieuthicualuoi, giá cửa được tính cố định ở mức 580.000 đồng/m2 cho cửa cuốn, 680.000đồng/m2 cho cửa trượt (như cửa nhôm kính nhưng thay bằng kính thì làm bằng lưới), 1.200.000 đồng/m2 cho cửa xếp. Độ bền của các loại cửa này dao động từ 5-10 năm, tùy vào tần suất và phương thức sử dụng của mỗi gia đình. Nếu lưới bị hỏng phải thay thì giá lưới có mức dao động từ 100- 120 nghìn đồng/m2.
Huế Nguyễn
Nguồn: Báo Lao động