- Thời gian qua, dư luận chứng kiến nhiều vụ thể hiện đẳng cấp của đại gia Việt như đám cưới diễu hành bằng siêu xe, thuê hàng loạt sao khủng giá nhiều tỷ hát đám cưới. Ông thấy gì từ hiện tượng này?
- Mình thích cái gì thì mình làm thôi. Nhưng chuyện thể hiện thì mỗi người mỗi kiểu. Nói riêng về doanh nhân Á châu, phần lớn người Trung Quốc và Việt Nam gặp phải một vấn đề là sĩ diện. Có lẽ vì mặc cảm thôi. Đại gia Việt Nam đa số mới giàu, chứ thời bao cấp có ai giàu đâu. Bởi vì họ mới giàu lên nên thích khoe. Đó cũng là điều dễ thông cảm.
Khi tôi còn trẻ, khoảng 30 tuổi lúc ấy cũng mới giàu nên cũng hay khoe, nó bắt đầu từ tiềm thức về một quá khứ thua kém. Thời kỳ mới ra trường, có lương cao, tôi thích đi với phụ nữ Tây phương xinh đẹp vào chốn sang trọng, nơi có những đại gia Mỹ để chọc tức họ. Chỉ vài năm sau tôi bắt đầu chán nên thôi.
|
“Hồi còn trẻ tôi cũng từng chơi trội”, Tiến sĩ Alan Phan |
- Vậy ông nghĩ gì về những đám cưới “chục tỷ” của đại gia diễn ra tại Việt Nam thời gian qua?
- Cái này có thể là hiện tượng gây phản cảm trong xã hội, nhưng dần dần nó cũng biến mất thôi vì sẽ có những thay bậc đổi ngôi về tiền bạc. Tiền không dính liền với bất cứ anh chị nào, nay nó thuộc về người này, mai nó thuộc về người khác. Tiêu xài hoài cũng bớt tiền hay mất hết nên còn gì để khoe. Sau khi làm vài lần phản ứng dư luận sẽ không tốt cho tên tuổi nên rồi họ cũng sẽ không làm nữa.
- Ở những nước phát triển trên thế giới, các đại gia thường “chơi” như thế nào và có chuyện khoe mẽ không thưa ông?
- Ở xứ Mỹ và các nước châu Âu, thực tình ai muốn khoe cứ việc khoe và vẫn có những người giàu khoe của. Nhưng vì một xã hội quá nhiều người giàu có nên bỏ ra 1-2 triệu USD để tổ chức tiệc cưới hay mướn siêu xe thì người Mỹ cũng không quan tâm.
Ngược lại, những tỷ phú Mỹ sống tằn tiện thì lại được ca ngợi. Ví dụ như ông Warren Buffett, người giàu thứ nhì, thứ ba thế giới nhưng vẫn ở căn nhà mua đã 50 năm trước trị giá 31.000 USD. Hiện nay ông Buffett có tới 39 tỷ USD nhưng vẫn tự lái xe đi mỗi ngày. Chiếc xe này ông mua 15 năm trước với giá 18.000 USD.
- Cách thể hiện của những đại gia đẳng cấp là gì?
- Thực ra đã là đại gia thực sự thì họ không còn nghĩ đến tiền nữa mà họ quan tâm đến những sở thích của mình. Như Bill Gates thường say sưa với công nghệ mới, tỷ phú Larry Ellison thì thích chơi đua thuyền buồm. Một đại gia khác, ông Cooperman âm thầm quyên hàng trăm triệu USD cho ngành y tế và giáo dục để hưởng ứng lời kêu gọi các tỉ phú làm từ thiện của Bill Gates và Warren Buffett. Điều đó cho thấy cách chơi của các đại gia trên thế giới chủ yếu là sở thích.
- Ông từng kể rằng từng thuê chuyên cơ riêng, chi bộn tiền để “bao” một người đẹp Hollywood tới Paris chơi vài ngày. Giờ ông nhìn nhận thế nào về lần “chơi ngông” đó?
- Thời trẻ tôi cũng có lúc bốc đồng như thế. Cũng có thể lúc ấy tôi cũng uống hơi ngà ngà nên làm chuyện ngu xuẩn.
- Nếu bây giờ có người đẹp như thế xuất hiện, liệu ông có “ngu xuẩn” thêm lần nữa?
- Bây giờ nếu tôi còn cảm xúc thì có thể tôi cũng làm vậy lắm. Tuy nhiên, đến lứa tuổi này thì những cuộc tình nồng cháy trở nên ấm ớ và phức tạp. Thay vào đó mình xem một bộ phim hay, đọc một cuốn sách thú vị sẽ thoải mái hơn. Tôi vẫn hay nói đùa với người ở tuổi 67, người đẹp cũng giống như một bức tranh, đem treo ở bảo tàng thì được chứ khuân về nhà thì rắc rối to. Con người có rất nhiều ham muốn vì hormone. Khi hormone bớt rồi thì tài sản, danh vọng, xe đua hay phụ nữ cũng không còn nhiều hấp dẫn nữa. Vì thế, mình sẽ chọn đến những thú vui nhẹ nhàng hơn.
Tự sự về sự trả giá
- Để trở thành một doanh nhân thành đạt như hôm nay, chắc chắn ông đã từng trả giá. Theo ông trả giá lớn nhất đối với một đại gia là gì?
Trả giá lớn nhất là áp lực về sức khỏe mà tôi phải hy sinh. Đó là cái giá lớn nhất khi chiêm nghiệm lại. Không những sức khỏe về vật chất mà còn tinh thần. Vì khi kiếm tiền, khi cạnh tranh để đạt đến thành công thì mình đôi khi làm việc 24/24 giờ, lúc ngủ cũng mơ thấy công việc. Tinh thần gần như bị đồng tiền chi phối kiểm soát. Mình trở thành khác biệt hẳn với con người thực của mình. Đó là cái giá phải trả lớn nhất trong việc săn đuổi tiền bạc.
- Ông quan niệm thế nào về việc kiếm tiền?
Tiền đối với tôi là cuộc săn đuổi. Nó giống như mình đi săn thú. Mình thấy nó, rồi mình đuổi theo nó, nó lại chạy đi chỗ khác. Rồi mình lần mò theo dấu vết của nó cho đến khi mình đưa vào nòng súng, nhiều khi lại bắn trật nữa. Cuộc săn đuổi mỗi ngày cứ cuốn hút như một cơn lốc xoáy. Khi bắn trúng cũng là khi có nhiều tiền, nhìn lại thì mình đã phải trả giá rất nhiều.
- Trong cuộc săn đuổi ấy vấn đề căn bản là gì?
Thời gian không thể tìm lại. Thay vì thời gian đó mình sống với con cái, đưa chúng đi chỗ này chỗ kia chơi đùa, hay lo cho vợ, gia đình, bạn bè... trong một mái ấm gia đình thì mình bỏ bê hy sinh kiếm tiền. Đến khi mình quay lại thì mất hết những cái đáng lẽ mình phải trân trọng. Đó lại là những cái hối tiếc nhiều nhất và là cái giá mình trả.
Trong tiền bạc thì vậy, còn đối với cuộc săn đuổi phái đẹp thì sức hấp dẫn của Alan Phan với phụ nữ là gì?
Điều duy nhất là vì tôi yêu quý đàn bà thực sự. Tôi cho họ thấy một Alan lãng mạn, đam mê, sẵn sàng đốt cháy đời mình cho tình yêu.
Theo Tiến sĩ Alan Phan, kinh nghiệm ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới cho thấy những người giàu hay khoe mẽ thường dễ bị sờ gáy. Hơn hai mươi năm gần đây, mỗi năm tạp chí Forbes luôn có danh sách những người giàu nhất. Nhưng theo một thống kê thì có đến gần 20% đại gia trong danh sách này đã hay đang ở tù. “Việc khoe của trong nhiều trường hợp, do đó, có vẻ là việc không khôn ngoan lắm”, ông Alan Phan nhận định. |
(Theo PLTP HCM)